Câu hỏi của khách hàng:
Chào luật sư. Tôi tên là Đào, 28 tuổi, hiện đang cư trú tại Thái Bình.
Tôi với chồng tôi kết hôn được 8 năm rồi. Chồng tôi thường xuyên uống rượu, đánh cờ đánh bạc rồi về nhà mắng mỏ tôi. Bao nhiêu tiền bạc anh đi làm không đưa tôi đồng nào, một mình tôi vất vả nuôi hai con.
Nay tôi muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này để đi ra nước ngoài để kiếm tiền nuôi con ăn học, sống một cuộc sống mới. Tôi đã gửi đơn ly hôn đơn phương lên Tòa do chồng tôi không đồng ý ly hôn. Vợ chồng tôi đã ra tòa một lần khi Tòa triệu tập. Tuy nhiên sau đó tôi lại chuẩn bị bay đi nước ngoài do lịch làm thay đổi. Tôi nghe nói pháp luật có cơ chế ủy quyền, tức là tôi có thể nhờ người khác tham gia những việc tôi không tự làm được.
Vậy luật sư cho tôi hỏi, tôi có thể ủy quyền ly hôn không? Thí dụ như tôi uỷ quyền cho luật sư giải quyết việc ly hôn cho tôi. Tôi xin cảm ơn.
Luật Thái An trả lời:
1. Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi về uỷ quyền ly hôn:
Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi là các văn bản pháp luật sau đây:
Luật Hôn nhân và gia đình 52/2014/QH13
Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình
2. Thế nào là ủy quyền ?
Ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Ủy quyền được hiểu đơn giản là việc người ủy quyền nhờ người được ủy quyền thực hiện một công việc mà đáng lẽ người ủy quyền phải thực hiện. Ủy quyền được pháp luật công nhận, trừ một số trường hợp không được ủy quyền mà phải đích thân người đó thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Về việc ủy quyền ly hôn
Khi người vợ hoặc người chồng muốn ly hôn nhưng không thể thực hiện thủ tục ly hôn thì mong muốn ủy quyền cho người khác. Mặc dù pháp luật cho phép việc ủy quyền đối với rất nhiều công việc, nhưng đối với việc kết hôn và ly hôn thì pháp luật có những quy định chặt chẽ hơn nhiều. Lý do là việc kết hôn và ly hôn gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người, nên việc ủy quyền tiềm ẩn rủi ro về sự thiếu trung thực, không phản ánh đúng ý chí của đương sự.
Khoản 2 điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Điều này hàm ý là người vợ, chồng phải tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Ngoại lệ là một số trường hợp quy định tại khoản 2 điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu trên. Khi đó, cha, me, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
4. Có được ủy quyền ly hôn trong vụ án ly hôn hay không ?
Ly hôn đơn phương như trong trường hợp của bạn là một vụ án mà bạn là nguyên đơn và chồng bạn là bị đơn. Vụ án ly hôn được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo quy định của điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
“Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
Theo đó, trừ trường hợp khoản 2 điều 51 luật hôn nhân và gia đình 2014 cho phép cha mẹ hoặc người thân thích đại diện tham gia vụ án nêu trên thì các đương sự trong vụ án ly hôn không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.
5. Không được ủy quyền ly hôn mà không tham gia được thì làm thế nào ?
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn là người nộp đơn ly hôn lên Tòa án, do đó tư cách của bạn trong vụ án ly hôn được xác định là tư cách nguyên đơn. Thủ tục ly hôn đơn phương phải thực hiện theo thủ tục tố tụng nên khá phức tạp, chi tiết có tại Chi tiết thủ tục ly hôn đơn phương. Theo đó, có hai giai đoạn quan trong là hoà giải và xét xử sơ thẩm:
a. Giai đoạn hòa giải
Theo như thông tin bạn cung cấp, hai vợ chồng đã ra tòa khi tòa triệu tập để hòa giải. Đây là cơ sở đề Tòa xác nhận sự việc ly hôn từ hai bên vợ chồng, có lời khai của người vợ và người chồng.
Nếu chồng bạn không đồng ý ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành.
Giai đoạn này, hai vợ chồng phải ra toà và không ai có thể uỷ quyền ly hôn được.
b. Giải đoạn xét xử sơ thẩm
Sau khi thực hiện ít nhất hai phiên hòa giải và không thành thì Tòa án sẽ mở phiên tòa để xét xử sơ thẩm.
Theo điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì:
“Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;”
Theo đó, nếu như bạn không tham gia phiên Tòa khi tòa án triệu tập lần thứ nhất thì Tòa án sẽ hoãn phiên Tòa, lần thứ 2 không tham gia phiên Tòa thì Tòa sẽ coi như bạn từ bỏ việc khởi kiện, trừ khi bạn có lý do chính đáng hoặc có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Do bạn ở xa không thể về tham dự phiên tòa, bạn có thể làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt khi Tòa án triệu tập để Tòa không đình chỉ giải quyết yêu cầu của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể trình bày các yêu cầu, nguyện vọng của mình bằng đơn để Tòa xem xét, giải quyết nguyện vọng của bạn khi bạn không thể trình bày trực tiếp tại Tòa.
Như vậy là ở giai đoạn xét xử, bạn cũng không thể uỷ quyền ly hôn được.
6. Dịch vụ luật sư tư vấn và giải quyết ly hôn của Luật Thái An
Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn và giải quyết ly hôn là một lựa chọn khôn ngoan. Bạn sẽ được bảo vệ lợi ích hợp pháp một cách tối đa khi chia tài sản vợ chồng, giao việc nuôi con và cấp dưỡng cho con. Hơn nữa, việc ly hôn sẽ đỡ được nhiều chi phí và diễn ra nhanh chóng hơn nhiều so với bạn tự mầy mò… Nếu cần dịch vụ luật sư tư vấn và giải quyết ly hôn cho mình hoặc người thân, bạn rất nên tham khảo bài viết Khởi kiện vụ án ly hôn của chúng tôi.
HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!
Tác giả bài viết: