Con không nghe lời cha mẹ thì “từ mặt” được không? Phải thực hiện thủ tục như thế nào để về pháp luật không phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của con nữa?
Con không nghe lời cha mẹ thì “từ mặt” được không? Phải thực hiện thủ tục như thế nào để về pháp luật không phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của con nữa?
Câu hỏi:
Chồng tôi mất đã được 3 năm nay. Kể từ đó cậu con trai (19 tuổi) đang tuổi ăn tuổi chơi nhà tôi bắt đầu học đòi theo lũ bạn xấu ăn chơi lêu lổng. Thỉnh thoảng nó lại bỏ nhà đi và khi về lại mang 1 khoản nợ về, toàn là khoản vay nặng lãi. Tôi đã phải trả mất vài trăm triệu đồng. Nhưng ngựa quen đường cũ, nó vẫn cứ tiếp tục vay và nợ. Tôi một thân một mình còn phải chăm lo cho 2 đứa con gái nữa, cảm thấy không thể để tình hình này tiếp diễn. Tôi muốn từ mặt nó. Vậy tôi phải thực hiện thủ tục như thế nào để về pháp luật tôi không phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của nó nữa? Tôi không muốn chứng kiến cảnh ngày nào cũng có chủ nợ đến nhà đập phá đồ đạc làm ảnh hưởng đến 2 con gái nhỏ của tôi. Bản thân tôi giờ đây cũng không có khả năng gánh chịu khoản nợ nào nữa. Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!
Tư vấn:
Hiện nay pháp luật Việt Nam nói chung cũng như pháp luật Hôn nhân và gia đình nói riêng chưa có quy định nào việc “từ mặt” con. Và do đó, vấn đề thủ tục tiến hành mà bạn thắc mắc dĩ nhiên chưa được điều chỉnh. Pháp luật luôn đề cao tinh thần trách nhiệm của cha mẹ với con cái và đó là nghĩa vụ phải thực hiện, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái và ngược lại được pháp luật quy định rất rõ ràng tại các Điều 69; 70 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, bạn có thể tra cứu để thấy rõ hơn.
Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra một số phân tích, hy vọng sẽ giúp bạn giải quyết được phần nào vấn đề của mình:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cha mẹ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự gây ra. Nhưng với trường hợp này, cậu con trai của bạn năm nay đã được 19 tuổi, tức là đã thành niên, cậu ta đã có đầy đủ năng lực hành vi và có thể tự mình tham gia tất cả các quan hệ xã hội, do đó cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Do đó, bạn nên đưa ra những phân tích để con bạn có thể hiểu thấu đáo vấn đề này trên cơ sở quy định pháp luật, để con bạn thấy được rằng cậu ta đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, không thể sống phụ thuộc vào mẹ mãi được.
Thứ hai, việc chủ nợ đến nhà đòi tiền, đập phá đồ đạc làm xâm hại đến cả tài sản và tinh thần của gia đình bạn, bạn nên nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương để được giúp đỡ kịp thời.
Như đã trình bày ở trên, nếu việc khuyên răn không làm cho con bạn thay đổi, thì bạn hãy có biện pháp cứng rắn để giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất.
Rất hy vọng bạn sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề của mình. Nếu còn gì vướng mắc Công ty Luật Thái An – chuyên hoạt động trong lĩnh vực Hôn nhân và Gia đình luôn sẵn sàng mang lại cho bạn những trợ giúp pháp lý hữu hiệu nhất. Xin cảm ơn!