News
Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học toàn quốc: “Bồi dưỡng năng lực cho giảng viên các trường sư phạm
NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC: NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC TOÀN QUỐC “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM”
Lê Quang Sơn[1]
Sự bùng nổ tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh phát triển của thế kỷ XXI đặt các quốc gia vào thế cạnh tranh gay gắt, đặt hệ thống giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc.Nền kinh tế tri thức với tư cách yếu tố cốt yếu quyết định sự thành bại của tất cả các quốc gia, dân tộc, các tổ chức, và mỗi cá nhân đã buộc tất cả các quốc gia đặt chiến lược con người lên những mục tiêu hàng đầu, trong đó cực kỳ coi trọng đổi mới giáo dục và đào tạo, coi đó là chiến lược sống còn trong chiến lược phát triển của mình. Cạnh tranh phát triển kinh tế – xã hội giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay đang dựa trên cạnh tranh trong phát triển giáo dục. Giáo dục phát triển sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực mới, nguồn nhân lực chất lượng cao -yếu tố tạo dựng diện mạo kinh tế – xã hội của một quốc gia. Đối với Việt Nam, sự phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra cho toàn xã hội, mà trước hết là cho hệ thống giáo dục, nhiệm vụ đào tạo những con người năng động, sáng tạo, có đủ năng lực và phẩm chất để dẫn dắt sự phát triển xã hội. Nhiệm vụ mới đòi hỏi hệ thống giáo dục phải thay đổi căn bản để đáp ứng những yêu cầu mới.
Định hướng cho đổi mới giáo dục và đào tạo,ngày 02/11/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 -2020. Ngày 4/11/2013,Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Namlần thứ 8 khóaXI đã ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 28/11/2014,Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ngày 10/4/2015,Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam. Những yêu cầu cơ bản về con người Việt Nam thời kỳ mới căn bản đã được xác lập, “mẫu đặt trước” của xã hội cho giáo dục và đào tạo đã được công bố.
Trong việc phát triển một thế hệ trẻ đủ năng lực và phẩm chất để tạo dựng diện mạo Việt Nam trong bối cảnh mới, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định. Raja Roy Singh,chuyên gia giáo dục của UNESCO khu vực châu Á -Thái Bình Dương, khi nói về triển vọng giáo dụccho thế kỷ XXIđã phát biểu rằng: “Thành công của các cuộc cải cách giáo dục phụ thuộc dứt khoát vào ý chí muốn thay đổi cũng như chất lượng giáo viên. Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”[1].Luật giáo dục Việt Nam cũng khẳng định “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” [2]. Và việc xây dựng đội ngũ giáo viên, cũng như phát triển khoa học sư phạm, là nhiệm vụ hàng đầu, là lý do tồn tại của các trường sư phạm.Do vậy, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, có rất nhiều điều cần làm và phải được tiến hành đồng bộ, song phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao phải là một chiến lược được quan tâm hàng đầu, các trường sư phạm phải đặt trọng tâm vào tạo bước chuyển biến chất lượng đội ngũ giảng viên của mình. Đối với các trường đại học sư phạm hiện nay, để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viênđủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấuthực sự trở thành cấp bách.
Trong thực tiễn tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường sư phạm, nhiều phát kiến khoa học đã được thực hiện và được đưa vào thực tiễn, nhiều lý thuyết giáo dục và quản lý mới đã được ứng dụng, nhiều kinh nghiệm hay đã được chia sẻ và nhân rộng, những thách thức ban đầu của phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm trong bối cảnh mới đã dần chuyển thành cơ hội phát triển cho các trường sư phạm.
– Nâng cao năng lực cho giảng viên dạy các môn chuyên ngành bằng Tiếng Anh;
– Bồi dưỡng giảng viên về đánh giá năng lực người học và năng lực giảng dạy về khoa học đánh giá;
– Bồi dưỡng giảng viên về dạy học tích hợp trong các trường sư phạm;
– Giảng viên các trường sư phạm với chương trình phổ thông mới.
Hội thảo được tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng 10 năm 2015 tại Trường ĐHSP -ĐHĐN, số 459 đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng từ 222 nhà khoa học, nhà giáo của 37 cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp đất nước với 170 tham luận khoa học. Trong số các tác giả đã gửi bài tham luận có đại diện của các trường ĐHSPtrọng điểm: ĐHSP -ĐH Thái Nguyên, ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, Trường Đại học Vinh, ĐHSP -ĐH Huế, ĐHSP -ĐH Đà Nẵng, ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các Trường, Khoa sư phạm, các Viện nghiên cứu sư phạm và Giáo dục trong cả nước và ở nước ngoài: Trường ĐHTân Trào, Trường CĐSPLào Cai, Trường CĐSP Hà Tây, ĐHKỹ thuật Công nghiệp – ĐHThái Nguyên, Trường ĐHHải Dương, Trường ĐHHải Phòng, Trường ĐHNgoại ngữ – ĐHQGHà Nội, Học viện Quản lý giáo dục, Viện Sư phạm Kỹ Thuật -ĐHBK Hà Nội, Trường ĐHThủ đô Hà Nội, Trường ĐHCông nghiệp Hà Nội, Học viện Khoa học xã hội, Trường ĐHSPKỹ thuật Nam Định, Khoa Sư phạm – ĐHBạc Liêu; Trường CĐSP Quảng Trị, Trường ĐHRajabhat Sakon Nakhon -Thái Lan, Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐHPhạm Văn Đồng, Trường ĐHQuy Nhơn, Trường CĐSP Đắk Lắk, Trường ĐH Phú Yên, Trường CĐSP Nha Trang, Trường ĐHSPKỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực IV, Trường ĐHKinh tế – Luật – ĐHQGthành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐHĐồng Tháp, Trường ĐHBạc Liêu, Trường ĐHĐồng Nai, Trường ĐHAn Giang, Văn phòng iGroup Asia Pacific Ltd tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với Phiên toàn thể và các Phiên chuyên đề tại 04 tiểu ban.
Tiểu ban 1: Nâng cao năng lực cho giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng ngoại ngữ (tiếng Anh)
Tại tiểu ban này, 21 bài tham luận tập trung vào các vấn đề: 1) Thiết kế chương trình môn học bằng tiếng Anh; 2) Tổ chức dạy học bằng tiếng Anh các môn học, phân môn trong chương trình đào tạo; 3) Các giải pháp về khoa học sư phạm và khoa học quản lý nhằm nâng cao năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh của giảng viên; 4) Nghiên cứu ứng dụng những lý thuyết dạy học mới vào dạy học tiếng Anh nhằm tăng cường năng lực tiếng Anh cho sinh viên và giảng viên. Cũng có những cảnh báo về nguy cơ thất bại trong việc tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh các môn chuyên ngành và giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong chương trình đào tạo của các trường.
Tiểu ban 2: Nâng cao năng lực đánh giá sinh viên và năng lực giảng dạy về khoa học đánh giá cho giảng viên
Tiểu ban 2 có số bài tham luận nhiều nhất -với 35 bài. Cả hai vấn đề đặt ra ở tiểu ban này đều được các nhà giáo, các nhà khoa học tham dự quan tâm.
Về vấn đề nâng cao năng lực đánh giá sinh viên của giảng viên các Trường/Khoa sư phạm, các tham luận tập trung vào việc: 1) Bản chất và yêu cầu của đánh giá theo tiếp cận năng lực trong giáo dục hiện đại; 2) Sự cấp thiết của đổi mới phương pháp đánh giá trong kiểm tra -đánh giá kết quả học tập của sinh viên; 3) Đặt vấn đề về các phương pháp đánh giá kết quả giáo dục toàn diện sinh viên; 4) Áp dụng đánh giá thực trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên; đổi mới phương pháp kiểm tra -đánh giá theo hướng hình thành và phát triển năng lực của người học; 5) sự cấp thiết và các giải pháp bồi dưỡng cho giảng viên năng lực đánh giá sinh viên theo tiếp cận năng lực.
Về vấn đề nâng cao năng lực cho giảng viên giảng dạy về khoa học đánh giá, các tham luận đề cập đến việc: 1) Nghiên cứu tìm hiểu các lý thuyết về đánh giá áp dụng vào khoa học sư phạm và áp dụng vào tổ chức đào tạo ở trường sư phạm (đánh giá thực, đánh giá theo tiếp cận năng lực); 2) Đưa môn học về khoa học đánh giá vào chương trình đào tạo cử nhân sư phạm để nâng cao năng lực đánh giá cho các nhà giáo tương lai, và qua đó xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên sâu về khoa học đánh giá; 3) Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học học phần “kiểm tra -đánh giá” trong chương trình đào tạo giáo viên; 4) Các giải pháp nâng cao năng lực giảng dạy về khoa học đánh giá của giảng viên các trường sư phạm.
Tiểu ban 3: Nâng cao năng lực cho giảng viên các trường sư phạm về giảng dạy tích hợp
Tiểu ban 4: Giảng viên các trường sư phạm với chương trình phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà khoa học, các nhà giáo dục tham dự Hội thảo. Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm, và đến lượt mình, điều này tạo nên những thách thức và cơ hội mới đối với đội ngũ giảng viên các trường sư phạm. 24 tham luận ở tiểu ban 4 tập trung vào các nội dung: 1) Nhìn nhận chương trình phổ thông mới từ góc độ giảng viên sư phạm (những thách thức và yêu cầu mới); 2) Sự cấp thiết của việc bồi dưỡng giảng viên sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông sau 2015; 3) Phát triển năng lực dạy học tích hợp, năng lực kiểm tra -đánh giá theo tiếp cận năng lực, năng lực tư duy phê phán và tư duy sáng tạo, năng lực cập nhật thông tin cho giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; 4) Những hình thức bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm.
Từ nội dung các báo cáo khoa học tham dự Hội thảo, có thể tổng kết được một số định hướng và giải pháp chính sau đây hướng đến nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên các trường đại học sư phạm.
1. Đề xuất xây dựng mô hình nhân cách nghề nghiệp người giảng viên trường sư phạm
Phát triển đội ngũ giảng viên các trường sư phạm phải bắt đầu từ việc xác định mô hình nhân cách nghề nghiệp của giảng viên sư phạm, mà trước hết là xác định một bộ năng lực và phẩm chất tối thiểu cần thiết cho giảng viên theo chuẩn nghề nghiệp, trọng tâm là các năng lực cốt lõi: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lí. Đáng tiếc là các trường sư phạm hiện chưa có một hệ thống cũng như những tiêu chí cụ thể trong việc phát triển giảng viên và đánh giá giảng viên. Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn bồi dưỡng và phát triển giảng viên tại các trường CĐ/ĐH đã chỉ ra: ngoài những tiêu chuẩn về mặt đạo đức và chính trị, một giảng viên giỏi là một giảng viên: 1) Có năng lực chuyên môn cao, nắm bắt được những thành tựu mới nhất trong học thuật cũng như trong thực tiễn chuyên môn của mình; 2) Có năng lực giảng dạy phù hợp với lĩnh vực chuyên môn sâu của mình; và 3) Có năng lực nghiên cứu sâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình[3].
2. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên
Trên cơ sở mô hình người giảng viên sư phạm được xác lập, các trường sư phạm cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ của mình bằng cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau để phát triển đội ngũ của mình: 1) Đào tạo dài hạn, chính quy (tiến sỹ, thạc sỹ); 2) Đào tạo và bồi dưỡng liên tục cho phù hợp với nhu cầu phát triển của từng trường, khoa; 3) Các giảng viên tự học tập và bồi dưỡng để không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất của bản thân; 4) Tạo ra các môi trường và điều kiện để giảng viên có thể phát triển các năng lực của mình-Xây dựng tổ chức học tập.
Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực giảng viên hiện nay ở các trường sư phạm đang là một lỗ hổng lớn. Trong 3 nhóm năng lực (phân chia theo các nhiệm vụ chính của giảng viên: chuyên môn, giảng dạy và nghiên cứu) nhìn chung hiện nay phần “năng lực chuyên môn” là phần được các trường và giảng viên chú trọng nhiều nhất; phần “năng lực giảng dạy” mới bắt đầu được quan tâm và cần được tiếp tục phát triển thông qua việc học tập, thực tiễn giảng dạy và phát triển của bản thân; phần “nghiên cứu” đang là năng lực thiếu hụt nhất của đội ngũ giảng viên.
Một số ý kiến chỉ ra rằng hiện nay chúng ta chưa có phương án có tầm chiến lược để đào tạo giảng viên sư phạm. Các trường sư phạm vẫn làm theo cách cũ là giữ lại sinh viên giỏi (vốn được đào tạo ra làm giáo viên phổ thông) để tự đào tạo và bồi dưỡng, học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ và trở thành giảng viên. Một số giảng viên sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến tiến sĩ, thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Mặc dù đội ngũ giảng viên này có học vị, có kiến thức lí thuyết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục đại học và chưa có sức thuyết phục cao đối với giáo viên phổ thông. Cùng với việc nghiên cứu sâu về lí luận dạy học đại học, giảng viên sư phạm cần phải đến với trường phổ thông để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế dạy học ở trường phổ thông nhiều hơn nữa. Ý kiến về việc xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên chất lượng cao để tạo nguồn giảng viên cho trường sư phạm cần được tiếp tục xem xét, nhưng phải đặt trong bối cảnh chiến lược tổng thể phát triển đội ngũ giảng viên của các trường.
3. Triển khai các hoạt động bồi dưỡng giảng viên
Để phát triển đội ngũ giảng viên các trường sư phạm trong bối cảnh hiện nay cần gấp rút thực hiện các hoạt động bồi dưỡng đối với giảng viên. Trước mắt cần tập trung bồi dưỡng nâng chuẩn giảng viên ở 3 cấp độ: chuyên gia giáo dục, giảng viên chính và trợ giảng. Để tiếp cận trình độ quốc tế cả về trình độ chuyên môn và phong cách làm việc, các trường sư phạm cần đưa các giảng viên đi tập huấn chuyên đề ở nước ngoài ít nhất 5 năm/lần. Các hoạt động hợp tác giữa các trường đại học (kể cả các trường ngoài hệ thống trường sư phạm) trong nước và quốc tế của các trường sư phạm là môi trường tốt để bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Đối với các giảng viên sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến tiến sĩ, mặc dù đội ngũ này có học vị, có kiến thức lí thuyết, nhưng thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục đại học và chưa có sức thuyết phục cao đối với giáo viên phổ thông, cần giao cho họ nhiệm vụ nghiên cứu sâu về lí luận dạy học đại học, đến với trường phổ thông để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế và trải nghiệm dạy học/quản lý ở trường phổ thông.
Đối với những giảng viên được tuyển dụng không từ các trường sư phạm cần triển khai cho đội ngũ này tham gia nghiên cứu giáo dục phổ thông trong 1 đến 2 năm, sau đó mới đi học tiếp các trình độ cao hơn. Có thể thực hiện chế độ luân chuyển 1-2 năm đến cơ sở khác (trường ĐH khác hoặc trường phổ thông…) sau đó quay lại giảng dạy ở đại học sư phạm. Để bắt nhịp tốt nhất với những đổi mới ở hệ thống phổ thông yêu cầu tất cả giảng viên sư phạm phải tham gia công cuộc đổi mới phổ thông theo yêu cầu của Chương trình, SGK mới, bao gồm trước hết các nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng giáo dục phổ thông; nghiên cứu mô tả năng lực người giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu đề xuất các nội dung môn học trong chương trình đào tạo giáo viên.
4. Đổi mới quản lý và hoạt động của bản thân các trường sư phạm
Cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bản thân các trường sư phạm với tư cách tổ chức giáo dục và nghiên cứu khoa học là môi trường để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của nó.
Thực tế tổ chức hoạt động của các trường sư phạm hiện nay có một nhược điểm lớn là tách biệt khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Trên thực tế đã hình thành 2 nhóm giảng viên tách rời: nhóm dạy các môn khoa học giáo dục và nhóm dạy nội dung khoa học cơ bản. Các nhóm giảng viên này hiện đang được cấu tạo thành các bộ môn riêng lẻ ở các khoa, các tổ chuyên môn. Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyên ngành thì cấu trúc tổ chức này là tốt, nhưng giải quyết vấn đề mới như nghiên cứu khoa học liên ngành hay xây dựng, triển khai chương trình dạy tích hợp thì đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này thúc đẩy một tầm tư duy mới về thiết kế tổ chức Trường/Khoa sư phạm để đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển giáo dục.
Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên ngành, xây dựng chương trình và tổ chức dạy học tích hợp còn đặt ra vấn đề thay đổi chức năng, nhiệm vụ của người giảng viên, thay đổi thiết kế công việc của người giảng viên trường sư phạm. Điều này cần được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm những con đường mới. Kinh nghiệm quốc tế ở lĩnh vực này cần được nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo.
Những thách thức đặt ra cho các trường sư phạm thúc đẩy các trường phải có những thay đổi có tính hệ thống để thích ứng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đáp ứng những thách thức của thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa thì thay đổi văn hóa hàn lâm [4], thay đổi có tính hệ thống bản thân các tổ chức giáo dục [5] là đặc biệt quan trọng.
Những vấn đề đặt ra cho hệ thống các trường sư phạm trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là hết sức sâu sắc. Những định hướng và giải pháp nâng cao năng lực giảng viên các trường sư phạm được đề xuất trong Hội thảo là hết sức đáng trân trọng. Tuy vậy, còn nhiều thách thức và mong đợi được chỉ ra qua các báo cáo khoa học tham dự Hội thảo.Những thách thức đó đang chờ đợi giải pháp hóa giải từ các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ban tổ chức Hội thảo mong muốn các thành viên tham dự Hội thảo cùng nhau suy nghĩ, trao đổi và tìm kiếm những cách thức, con đường, biện pháp mới khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng để phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm, phát triển bản thân các trường sư phạm như lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Ban tổ chức Hội thảo đã cố gắng hết sức để tuyển chọn một cách đầy đủ nhất những công trình của các tác giả gửi về tham dự. Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian và dung lượng của bản in Kỷ yếu Hội thảo, chỉ có 108/170 bài viết được chọn lọc in trong kỷ yếu này. Ban tổ chức chân thành cảm ơn các tác giả đã quan tâm gửi bài, đến tham dự và báo cáo tại Hội thảo. Những đóng góp tâm huyết của quý tác giả đã làm nên thành công của Hội thảo lần này.
Xin kính chúc quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, may mắn và thành công!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Các tập tin đính kèm: (3. BaoCaoDeDan.pdf);